Cô giáo một tay gần 30 năm chăm trẻ tự kỷ

17 Tháng bảy 2023
114
0
16
Cô giáo một tay gần 30 năm chăm trẻ tự kỷ

TP HCMChỉ với một cánh tay, cô Tuyết bế ẵm, thủ thỉ với trẻ tự kỷ suốt 27 năm, và xúc động trước những nét vẽ vụng về hay cái ôm của học trò.

Một buổi chiều giữa tháng 11, cô Võ Thị Tuyết, 56 tuổi, bế em bé ba tuổi tuổi bị rối loạn tăng động, khóc liên tục, đi lại trong phòng. Vừa bế, cô Tuyết vừa hát Bé lên ba, Rửa mặt cho mèo để vỗ về đứa trẻ. Chỉ ôm học trò bằng một cánh tay, dáng người của cô nghiêng nghiêng về bên phải.

Cô Tuyết đã làm việc này suốt 27 năm qua tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, quận 3. Nữ nhà giáo 56 tuổi được trao giải thưởng Võ Trường Toản sáng 17/11, vì có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục TP HCM.

Cô Tuyết soạn giáo án, theo dõi hành trình tiến bộ của học sinh. Ảnh: Lệ Nguyễn

Cô Võ Thị Tuyết. Ảnh: Lệ Nguyễn

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Củ Chi, cánh tay phải của cô Tuyết bị mất trong một lần trúng bom khi nhỏ. Ban đầu cô rất buồn, thường chất vấn bố mẹ tại sao không ra ngoài ấp chiến lược mà phải ở trong vùng chiến sự.

"Ba tôi chia sẻ rằng nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, không biết phần mộ ở đâu nên tuy gia đình ta có mất mát, con không được đầy đủ hai tay nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người khác", cô Tuyết nhớ lại. Qua những lời động viên của bố, cô dần hiểu và lấy đó làm động lực, cố gắng học làm mọi việc bằng một tay.

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm TP HCM ngành Ngữ văn năm 1989, cô Tuyết về dạy ở một cô nhi viện tại Đồng Nai. Sau bốn năm, cô lập gia đình. Trong lúc nghỉ sinh em bé, cô Tuyết tình cờ đọc được một bài báo viết về những khó khăn của trẻ khuyết tật trí tuệ và nỗi lòng của cha mẹ các bé.

"Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ làm tốt công việc này, thâm tâm tôi thôi thúc phải tìm cách giúp đỡ những em bé khuyết tật trí tuệ", cô Tuyết nhớ lại. Năm 1997, cô xin nghỉ làm, tìm đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở quận 3, TP HCM, xin việc.

Từ giáo viên Văn chuyển sang dạy trẻ khuyết tật, cô Tuyết gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn không biết tương tác với trẻ vì chưa được đào tạo. Cơ thể khiếm khuyết cũng khiến cô vất vả mỗi khi bồng, bế các bé.

Vì thế, cô Tuyết học thêm văn bằng hai ngành Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm TP HCM và tham gia nhiều khóa học về giáo dục trẻ gặp khó khăn trong học tập, các chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tâm lý trị liệu.

Theo cô, để đồng hành cùng trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, giáo viên phải có phương pháp chuyên môn, tình yêu thương, kiên nhẫn. Mỗi tiến bộ nhỏ của trẻ cũng là động lực để cô gắn bó với nghề.

Mỗi ngày cô Tuyết đều dậy sớm, rời nhà từ 5h30 để bắt hai chuyến xe buýt từ huyện Hóc Môn đến nơi làm việc. Cô kể có lần vừa đến nơi, phụ huynh một bé hai tuổi tìm gặp, rồi bật khóc, nói "cô ơi, con em nay biết em rồi đó. Nó chỉ tay và biết mẹ rồi, em mừng quá". Cô cũng vui lây vì phương pháp can thiệp đã có hiệu quả, trẻ chuyển biến tích cực.

Một lần khác, học sinh vừa khỏi ốm, quay lại trường sau vài ngày nghỉ liền chạy lại ôm, cắn vào bả vai của cô Tuyết. Tuy rất đau nhưng cô hiểu đó là cách học trò bày tỏ nỗi nhớ với mình. Cô kiên nhẫn, nhẹ nhàng giải thích cho trẻ cách làm thế nào để diễn tả cảm xúc nhớ nhung mà không làm cô đau.

Trong 27 năm theo nghề, cô Tuyết cũng xúc động với câu chuyện của một cặp vợ chồng có con gái mắc hội chứng Down. Người mẹ tuyệt vọng, không tin vào sự thật, từng ba lần nghĩ đến chuyện chấm dứt sự sống của đứa bé nhưng không thành. Ngày đầu tiên người mẹ tìm đến nhờ tư vấn, cô Tuyết không vội đưa ra lời khuyên mà kể về hành trình của mình - đứa trẻ chỉ có một cánh tay nhưng được lớn lên với tình yêu thương của bố mẹ, vẫn sống hạnh phúc và cống hiến cho đời. Người mẹ đã ôm cô khóc nức nở.

"Khi đó, tôi hiểu người mẹ đã chấp nhận con mình. Với cha mẹ, con khiếm khuyết là một điều vô cùng đau đớn. Mọi phương pháp can thiệp chỉ hiệu quả khi phụ huynh chấp nhận tình hình thực tế của con", cô nói.


Cô Võ Thị Tuyết. Ảnh: Lệ Nguyễn
Cô Tuyết soạn giáo án, theo dõi hành trình tiến bộ của học sinh. Ảnh: Lệ Nguyễn

Khuyết một cánh tay, cô Tuyết biến điều đó thành lợi thế. Với những động tác như vỗ tay, tương tác với học sinh, cô thường thủ thỉ nhờ học trò giúp cô như cánh tay còn lại của mình. Nhờ thế các em mạnh dạn tương tác hơn, khoảng cách giữa cô và trò gần hơn.

Mỗi đứa trẻ khi được đưa đến lớp cô Tuyết đều trải qua một bài kiểm tra để xác định, so sánh tuổi trí tuệ và tuổi đời thực. Từ đó, cô Tuyết lên giáo án dạy và tương tác với trẻ cho đến khi tuổi trí tuệ ngang bằng với tuổi đời hoặc đến tối đa 4 tuổi. Sau 4 tuổi, các em cần tham gia các lớp can thiệp nâng cao. Lớp học chỉ có một cô một trò và phụ huynh bên cạnh để quan sát, học cách dạy con và giúp đỡ cô khi cần.

Ông Phan Hùng Dương, Giám đốc Trung tâm, đánh giá cô Tuyết có nhiều đóng góp cho hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ, nhất là với mảng can thiệp sớm.

"Cô ấy có sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm và bồi dưỡng cho phụ huynh cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, giúp đỡ được rất nhiều gia đình", ông Dương nói.

Cô Tuyết có một chiếc hộp lưu giữ những tấm thiệp học trò tặng, dù chúng khá vụng về với các nét vẽ hình trái tim, bông hoa, bầu trời, bãi cỏ. Cô giáo 56 tuổi trân quý vì đó là hành trình dài nỗ lực của các con.

Về hành trình của mình, cô nói không thể thiếu sự đồng hành, yêu thương của chồng và hai con. Con gái lớn của cô cũng đang làm kỹ thuật viên tại Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật.

"Tôi hạnh phúc mỗi khi phụ huynh đưa con về thăm. Các con miêu tả cô đã thay đổi thế nào, như trước đây cô có tóc dài nay đã thành tóc ngắn, có khi gọi mình là má Tuyết. Tôi hiểu các con nhớ và thương mình", cô Tuyết nói.

Nguồn coppy Vnexress

Bài liên quan tham khảo: trường trung cấp thăng long, trường trung cấp y dược yersin, tuyển sinh trung cấp online, tuyển sinh trung cấp từ xa, Đại học thành đông tphcmXét tuyển đại học online, Trung cấp từ xa, đào tạo trung cấp online, học trung cấp từ xa, đào tạo trung cấp chính quy, TRung cấp cấp tốc,
 

Bài mới nhất